Đang trực tuyến: -151
Tổng số lượt truy cập: 1.120.618
Bộ sưu tập xe cổ 'khủng' của thầy giáo 8x
Cập nhật ngày: 18/11/2011 lúc 04:54 (GMT +7)
 Ở tuổi 29, thầy giáo Mai Duy Tuân đã có một “gia tài” kha khá với gần 30 chiếc xe cổ, trong đó nhiều chiếc đã được phục chế hoàn chỉnh và trưng bày tại quán cà phê của chính anh.

Anh Tuân đang là giảng viên khoa cơ bản, ĐH Lương Thế Vinh – Nam Định. Hiện nay, bộ sưu tập của anh Tuân có khoảng hơn 30 xe các loại, với đủ các dòng xe như: Suzuki A92 đời 1965, Honda 67, Solex, Java, Peugeot, MZ… Nhiều nhất là những loại xe Honda của Nhật, rồi cả những chiếc xe máy Trường Giang của Trung Quốc.

Thầy giáo xế cổ Mai Duy Tuân (Ảnh BĐVN)
Khi được hỏi về cơ duyên nào đã đưa anh đến với cái thú đam mê xe cổ, anh Tuân vui vẻ cho hay: “Ngày anh còn bé, cả ông và bố đều đi những chiếc xe động cơ hai kỳ như Simpson, S21. Bởi vậy, anh đã quá quen thuộc với những chiếc xe chạy máy hai kỳ, đặc biệt là tiếng nổ giòn, khỏe đặc trưng của loại động cơ này.

Thời bấy giờ, việc sở hữu được những chiếc xe này cũng không phải là một điều dễ dàng, ít gia đình có, thế nên, mỗi lần được bố hay ông cho đi chơi trên xe máy, anh Tuân rất hãnh diện và dần dần anh cũng yêu quý những chiếc xe đó từ bao giờ không biết”.

Những chiếc xế cổ được trưng diện ngay tại quán cà phê của anh Tuân. (Ảnh BĐVN)
Để có được bộ sưu tập xế cổ như hiện tại là cả một kì công, và mỗi chiếc xe đến tay anh Tuân lại gắn với những kỷ niệm, những đoạn đường khác nhau. Anh Tuân đã phải đi khắp Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình…rồi lên tận Hà Giang, vào Sài Gòn để “săn xe”. Cứ nghe thấy ở đâu có người sở hữu xe cổ là anh tìm đến tận nơi, hỏi mua lại hoặc đổi cho bằng được. Nhiều xe anh Tuân phải tìm tới những cơ sở đồng nát phết liệu, rồi xin mua lại, sau đó mang về phục chế.

Khác với những người chơi xe khác, họ thường cất giữ những chiếc xe “độc” của mình kỹ càng, cẩn thận, anh Tuân thì ngược lại, những chiếc xế cổ lại được anh trưng diện ngay tại quán cà phê do anh mở ra có tên là “Newland”, nhưng mọi người vẫn quen gọi bằng cái tên dễ nhớ “cà phê xe cổ’.
Mỗi chiếc xe với anh Tuân là gắn với một kỷ niệm, một đoạn đường để nhớ (Ảnh BĐVN)

Ảnh Zing
Do đam mê xe cổ nên phương tiện đi lại của anh Tuân cũng chính là những chiếc xe thân yêu này, vì có nhiều xe, lại không thể để xe “nguội máy” lâu, nên mỗi ngày, anh Tuân thường luân phiên dùng các chiếc xe cổ của mình để đi tới trường dạy học.

Anh Tuân tâm sự: “Thực ra thì mình biết việc đi xế cổ đến trường học cũng có vẻ gì đó hơi “ngông” chút, thế nhưng, đó là niềm đam mê nên cũng khó từ bỏ. Mỗi lần đi vào trường là các em sinh viên tò mò lại xúm đông xúm đỏ vào sờ nắn, rồi trèo lên chụp ảnh, nghịch ngợm suốt”.

Vì việc cưỡi xế cổ đến trường này nên ở trường anh Tuân được các học trò và đồng nghiệp đặt cho biệt danh hết sức độc đáo “thầy giáo xế cổ”. Anh Tuân chia sẻ một điều thú vị là cũng vì cái biệt danh này mà ngôi trường anh đang dạy rất dễ nhận biết, nhiều người khi nói đến trường không nói tên mà cứ nói cái trường có ông thầy giáo hay đi xe cổ ấy, là mọi người tự hiểu đó là trường Đại học Lương Thế Vinh.
Anh Tuân bên chiếc sidecar (Ảnh Zing)
Sưu tầm xe cổ là một thú chơi không chỉ tốn công sức mà còn tốn tiền bạc nên kinh doanh là cách để anh Tuân nuôi đam mê của mình. Anh Tuân cũng lại rất yêu nghề dạy học của mình và nếu hỏi mê cái nào hơn thì anh rất khó trả lời. Hiện nay, anh đang là giảng viên trường đại học Lương Thế Vinh, Nam Định. Ước mơ của anh là thành lập được một bảo tàng tư nhân về xe cổ của mình, nên kinh doanh là bước để anh dành dụm và đầu tư cho ước mơ. 

Tuân tâm sự, muốn bảo tàng trở thành một không gian mà khi đến, ngắm nhìn những chiếc xe, mọi người có thể hồi tưởng lại quãng thời gian quá khứ, khi những chiếc xe cổ còn là hình ảnh quen thuộc trong mỗi gia đình, hay trên những đường phố của thời bao cấp đã xa.

K. Minh (tổng hợp)
l